Hỗ trợ cộng đồng

Khoa Dược  »  Nghiên cứu khoa học  »  Hỗ trợ cộng đồng


Tản mạn về đại dịch COVID năm thứ 3

 

Bài viết từ một bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Việt Nam đang trải qua thời kỳ khủng hoảng nhất của đại dịch COVID. Sau nhiều lần bùng lên rồi lại dập tắt, mọi thứ trở về hoạt động bình thường nhanh chóng sau một vài tháng chống dịch – người ta cứ ngỡ rằng thế là thảm họa mà thế giới đang chống chọi đã diễn ra vô cùng êm thấm ở nước ta - thì lần thứ 4 này “đám lửa COVID” thực sự lớn lên và lan rộng, không dễ dàng để làm cho nó nguội lạnh. Tháng 8 năm 2021 trung bình một ngày nước ta có khoảng từ 8-10.000 ca nhiễm COVID-19 mới được biết đến, khoảng 300 ca tử vong, từ 4-5000 ca khỏi bệnh và xuất viện. Trong những ca nhiễm, tỉ lệ bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng khoảng 80%, số còn lại từ trung bình đến nguy kịch, cần sự can thiệp của y tế thực sự. Mọi người nghĩ rằng con số này nhỏ nhưng với tỉ lệ lây lan và số lượng bệnh nhân rất lớn thì đó vẫn là một gánh nặng khổng lồ của chăm sóc y tế.

Cập nhật số lượng ca nhiễm COVID tại Việt Nam đến ngày 20/08/2021 

(Nguồn: vnexpress.net)

Với một bác sĩ đang trực tiếp tham gia điều trị các bệnh nhân từ trung bình đến nặng trong trung tâm ổ dịch thì có vài điều vẫn cần ghi lại để sau này có thể nhớ lại những ngày tháng này.

Bệnh nhân thì khỏi bàn, quá khổ, quá mệt, nằm la liệt ra cả hành lang, ghế bố, băng ca tại vì chẳng đủ chỗ nằm, xì xụp thở, 10 người thì có tới 9 người phải thở oxy, rất ít ca có thân nhân chăm sóc bởi thân nhân cũng cần là một F0, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Có nhiều trường hợp mẹ F0 bệnh nặng nằm điều trị, bệnh viện phải cử xe đón con – một F0 khác -  từ bệnh viện dã chiến thu dung về để chăm sóc, một thời gian sau mẹ không qua khỏi, sau khi thủ tục xong con lại phải quay trở về thu dung cách ly. Có những trường hợp mẹ và con nằm trong bệnh viện, mẹ bệnh nặng, con nhẹ hơn chăm sóc mẹ và còn cố gắng xin thêm 2 giường bệnh cho 2 người già ở nhà cũng thở mệt nhọc như vậy. Có những thai phụ mà tuổi thai mới được 6 – 7 tháng; không đáp ứng điều trị, trở nặng. Cứu mẹ hay con đều rất khó…

Nhân viên y tế cũng khổ, cứ vài ngày lại xét nghiệm kiểm tra (nhiều nơi được kiểm tra mỗi ngày 1-3 lần), rồi lại vài người rơi rụng, cứ sau 5h chiều lại đùa nhau là đợi kết quả xổ số. Có thể bị nhiễm từ bệnh nhân, cũng có thể vô tình lây cho nhau. Cường độ công việc nhiều là một chuyện nhưng lại khó chịu hơn khi trong bộ đồ bảo hộ - rất nóng, mồ hôi đầm đìa. Có vẻ “đa số” bệnh nhân rất đồng cảm – họ không than phiền nhiều trừ khi quá mệt, chỉ cảm ơn bác sĩ vì đã có chỗ để nằm, có oxy để thở. Bác sĩ cũng ái ngại và nói rằng họ hãy cố lên. Hầu hết những nhân viên y tế nhiễm COVID-19 đều khá ổn bởi được bảo vệ từ 2 mũi vaccine, thế nên có thể thấy sức mạnh và hiệu quả của bao phủ vaccine toàn dân.

Bên trong khu hồi sức tích cực, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM - nơi "không ai được hít khí trời". (Nguồn: vnexpress.net, ảnh: Nguyễn Thành)

Xã hội cũng thay đổi, hệ quả khủng khiếp từ đại dịch. Sức khỏe bị tàn phá, kinh tế xuống dốc, giáo dục thì khó khăn. Ra đường đi làm về sau 6h tối cảm giác đường phố Sài Gòn như trong các phim “Zombie”, chỉ có tiếng lá bay xào xạc trên đường và mấy chú chó cắn nhau. Đi vài chặng lại có trạm cách ly, muốn về tới nhà cũng phải đi đường vòng. Nhiều bữa sáng ra trực đi về muốn mua đồ ăn nhưng tới các quầy đồ ăn được phép bán, mọi người đã xếp hàng dài chẳng thấy đuôi, lại không ngần ngại chạy thẳng về nhà có gì ăn đấy. Và quan trọng nhất là bây giờ khi nào trên mặt không có khẩu trang là thấy có vẻ thiếu thiếu cái gì.

Ba mẹ vẫn thường xuyên gọi ngày 2 lần, hỏi có sao không, rất lo lắng cho con. Thực sự, mỗi ngày đi làm việc, hít thở đều đặn, đồng nghiệp vui vẻ, bố mẹ quan tâm, vợ con yêu thương thì cảm thấy đã quá may mắn hơn nhiều người. Có thể dương tính vào một ngày nào đó, nhưng cũng chẳng sao vì đã làm hết trách nhiệm của mình – cũng như những ngành khác đều có khó khăn của riêng họ khi biến cố tới. Đại dịch có thể làm mất đi nhiều thứ nhưng có lẽ tình thương giữa con người với con người sẽ tăng lên và đặc biệt là những người trong gia đình, hoặc xem như là gia đình với nhau, để người ta thấy rằng đôi khi tiền cũng không phải là thứ quan trọng nhất mà chính là sức khỏe và tình yêu thương.
 

Tác giả: BS. Thế Minh

(LHU.KD.XuanViet)

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  84,508       1/579